Dec 25, 2011

Tưởng nhớ những mất mát lớn nhất

Trong năm 2011 nhiều nhân tài công nghệ đã ra đi theo một cách thầm lặng hơn Steve Jobs rất nhiều, nhưng họ là những người đáng trân trọng.

Kỷ nguyên điện toán đã bắt đầu được chừng 50 năm và những người thanh niên đầu tiên từng góp một tay vào việc định hình cả ngành công nghiệp giờ đây hầu hết đều đã bước qua tuổi "gần đất xa trời". Năm 2011 cả thế giới công nghệ sững sờ trước sự ra đi của Steve Jobs. Nhưng Steve Jobs không phải là tiên phong duy nhất trong ngành công nghiệp công nghệ cao qua đời trong năm nay. Bên cạnh Steve còn nhiều sự ra đi thầm lặng hơn của những con người đã một thời chung tay xây dựng để có được 1 thế giới công nghệ như chúng ta biết ngày hôm nay.


Đôi khi báo chí không nhắc tới những con người ấy với sự quan tâm lớn như đối với Steve Jobs phần vì công việc của họ thầm lặng hơn, phần vì có nhiều người đã lui vào phía sau cánh gà cách nay vài thập kỷ. Nhưng những đóng góp, cống hiến của họ đều xứng đáng cho tất cả chúng ta phải ngả mũ cúi đầu.

Jean Bartik
Sinh 27/12/1924 - Mất 23/3/2011.

Jean Bartik chính là người phụ trách viết phần mềm cho ENIAC (Electronic Numerical Intergrator and Computer - được coi là máy tính điện tử thực thụ đầu tiên mà con người làm ra, nó nắm giữ nhiệm vụ là máy tính toán đạn đạo của pháo binh Hoa Kỳ), có thể nói đây chính là một trong những lập trình viên đầu tiên trong lịch sử loài người. Jean Bartik cũng là người duy nhất trong dự án ENIAC còn sống tới năm 2011.

Max Mathews
Sinh 13/11/1926 - Mất 21/4/2011.

Nếu bạn muốn biết ai là người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp nhạc số thì câu trả lời chính là Max Mathews. Ông chính là người đầu tiên bắt máy tính "cất tiếng hát" vào năm 1957 bằng phần mềm mang tên MUSIC I trên chiếc IBM 704 cho phép cỗ máy này chơi 1 đoạn âm thanh dài 17 giây. Sau này Max Mathews tiếp tục nắm giữ vị trí đầu tàu trong việc nghiên cứu công nghệ số hóa âm thanh.
Về sau bài hát đầu tiên được tạo ra bởi 1 phần mềm giả lập giọng nói: Daisy Bell cũng chính là sản phẩm của Max Mathews.

Norio Oga

Sinh 29/1/1930 - Mất 23/4/2011


Nếu như không có Oga thì chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết tới máy Sony Walkman, đĩa CD, DVD và thậm chí là BluRay. Đồng nghĩa với việc có thể PlayStations sẽ không ra đời và ngành công nghiệp phần mềm tới tận bây giờ vẫn loanh quanh tìm 1 phương án phân phối nội dung với dung lượng lớn, số lượng khổng lồ và giá thành rẻ như CD.

Theo học nhạc viện Tokyo để trở thành 1 ca sĩ Opera nhưng cuối cùng Norio Oga lại đầu quân cho Sony, lần lượt nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất của gã khổng lồ Nhật Bản. Nhiệm vụ cuối cùng mà Norio Oga đảm nhiệm ở Sony là CEO trong những thập niên 80-90. Với kiến thức sâu rộng về cả nhạc lý lẫn công nghệ, Norio Oga được biết đến là người đã thúc đẩy Sony đi sâu vào nghiên cứu đĩa CD để tạo ra 1 phương thức lưu trữ âm thanh với chất lượng cao hơn và bền hơn băng cassete. Vị thế là hãng sản xuất đĩa CD hàng đầu thế giới khiến Sony thành công trong vị trí là nhà phát hành âm nhạc, sau đó lọt vào "tứ cường" của thế giới trong lĩnh vực thu âm. Tất cả đều nhờ vào công của Norio Oga.

Michael Hart
Sinh 8/3/1947 - Mất 6/9/2011

Michael Hart được coi là người tạo ra cuốn sách điện tử đầu tiên năm 1971. Và ebook đầu tiên của nhân loại chính là bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Sau khi nhận được 1 bản tuyên ngôn độc lập được phát miễn phí ở cửa hàng tạp hóa gần nhà, Micheal Hart cầm nó về, đánh vào máy tính rồi gửi cho bạn bè. Sau khi nhận ra việc phát tán phiên bản điện tử của bản tuyên ngôn qua email quá phức tạp, Micheal Hart quyết định đưa nó lên 1 host lưu trữ để người nào cần có thể tự download về. Đây chính là cuốn sách đầu tiên được chia sẻ trong dự án Gutenberg nổi tiếng.
Gutenberg là dự án số hóa các văn bản đã hết hiệu lực quyền tác giả và được phép chia sẻ miễn phí, rộng rãi, đưa chúng lên mạng để tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia đều có thể truy cập vào kho tri thức quý giá của nhân loại. Đến cuối 2011, Gutenberg tuyên bố mình đã chia sẻ trên 38000 đầu sách, băn bản với toàn thế giới hoàn toàn miễn phí.
Micheal Hart qua đời hồi tháng 9 vừa rồi trong 1 cơn đau tim.

Julius Blank
Sinh 2/6/1925 - Mất 17/9/2011

Có thể nói Julius Blank là "bậc thầy của những bậc thầy" trong thung lũng Silicon. Cùng với 7 người bạn, Julius thành lập công ty Farchild Semiconductor, doanh nghiệp sản xuất chip máy tính đầu tiên trên thế giới. Farchild Semiconductor không chỉ là công ty sản xuất mà nó còn là nơi nghiên cứu, phát triển ra cả 1 ngành công nghiệp silicon thời kỳ sau này. Farchild Semiconductor đã từng phải tự mình làm tất cả mọi thứ vì thời điểm đó không có một công nghệ nào hỗ trợ sản xuất hàng loạt chip bán dẫn. Julius và các đồng nghiệp của mình phải mày mò làm mới tất cả dây chuyền sản xuất, từ máy kết tinh silicon cho tới thiết bị cắt, dập chip. Những thành tựu của Farchild Semiconductor sau đó đã đặt nền móng cho công nghệ sản xuất chip bán dẫn. Ngay cả các cái tên sừng sỏ như Intel, AMD cũng sử dụng lại rất nhiều công nghệ cũ của công ty này.
Bên cạnh đó Farchild Semiconductor là nơi đào tạo ra thế hệ nhân tài đầu tiên của thung lũng silicon. Có thể nói nếu như có 1 ai đó hiện thực hóa kỷ nguyên PC thì đó chính là Julius Blank và bạn bè của ông.
Steve Jobs
Sinh 24/2/1955 - Mất 5/10/2011

Có lẽ không cần nói quá dài dòng về Steve Jobs nữa. Cái chết của ông đã gây không ít sóng gió trong cộng đồng công nghệ. Và đây có lẽ là một trong những mất mát lớn nhất của thế giới công nghệ trong 2011, đặc biệt là khi mà trong danh sách này Steve Jobs là người duy nhất vẫn tiếp tục cống hiến cho tới tận lúc nhắm mắt xuôi tay.

Robert Galvin

Sinh 9/10/1922 - Mất 11/10/2011

Là con trai của người sáng lập Motorola Paul Galvin, Robert nối gót cha mình tiếp nhiệm tại Motorola năm 37 tuổi và giữ cương vị này suốt 27 năm. Trong thời gian làm việc của Robert, doanh thu của Motorola tăng từ 216 triệu USD lên 6,7 tỉ USD và trở thành một trong những cái tên hùng mạnh nhất thế giới trong công nghệ truyền dẫn không dây và thiết bị đầu cuối. Motorola từng 1 thời là đầu tàu công nghệ, mang đến những bước nhảy rất lớn như điện thoại di động nhỏ gọn đầu tiên, tất cả là nhờ công của Robert Galvin.
Có thể tưởng tượng vị thế của Robert Galvin và Motorola giống như Steve Jobs và Apple trong những năm 60-80 của thế kỷ trước.
Dennis Ritchie
Sinh 9/9/1941 - Mất 12/10/2011

Dennis Ritchie được đánh dấu là người sáng tạo ra ngôn ngữ lập trình C và góp phần vào việc phổ biến HĐH Unix. Hãy cứ hỏi bất kỳ 1 sinh viên năm nhất chuyên ngành CNTT nào về tầm quan trọng của ngôn ngữ C bạn sẽ hiểu được những đóng góp của Dennis Ritchie lớn lao đến dường nào. Bên cạnh đó nếu như không có Unix thì sẽ không có Linux, Android, MacOS X và có thể là không có thế giới Internet như chúng ta đang sống ngày hôm nay.
John McCarthy
Sinh 4/9/1927 - Mất 24/10/2011

Cha đẻ của cụm từ AI (trí tuệ nhân tạo) và đồng thời là người phát minh ra ngôn ngữ lập trình Lisp được sử dụng trong hầu hết các ứng dụng có yếu tố AI hiện nay.
Bên cạnh đó, John McCarthy còn là người đặt nền móng cho điện toán đám mây. Có thể nói bên cạnh Steve Jobs thì trong danh sách này John McCarthy là người có nhiều ảnh hưởng nhất tới kỷ nguyên hậu-PC.
John Opel
Sinh 5/1/1925 - Mất 3/11/2011

Nếu như Julius Blank ở trên là người tạo ra nền móng cho ngành công nghiệp Silicon và góp phần hiện thực hóa kỷ nguyên PC thì John Opel, cựu CEO của IBM chính là người đã vẽ nên kỷ nguyên ấy.
Chỉ nắm giữ vị trí CEO của IBM trong có 5 năm nhưng John Opel lại là người dẫn dắt cả 1 thời kỳ quan trọng nhất của ngành công nghiệp điện toán trong thời kỳ PC chập chững cất những bước đi đầu tiên.

(Nguồn: VTC)


No comments:

Post a Comment